Trung Quốc quyết tâm tiêu diệt ngành công nghiệp Bitcoin

Không chỉ vì mức độ tiêu thụ điện, Trung Quốc có nhiều lý do quan trọng hơn để tiêu diệt hoàn toàn ngành công nghiệp Bitcoin trong nước.

Bitcoin cũng như toàn bộ thị trường tiền mã hóa trên thế giới đang trải qua một giai đoạn khó khăn sau đà tăng điên cuồng kéo dài từ năm ngoái đến nay khi những tin xấu dồn dập đến từ những quốc gia có ảnh hưởng lớn nhất đến thị trường này.

Trong khi Bộ tài chính Mỹ có những động thái siết chặt quản lý đối với các giao dịch liên quan đến tiền mã hóa, thì Trung Quốc, quốc gia cung cấp nhiều máy đào Bitcoin nhất cho toàn thế giới, lại đưa ra hàng loạt biện pháp cứng rắn.

Không lâu sau khi Phó thủ tướng Lưu Hạc chỉ đạo cấm tất cả hoạt động đào và giao dịch tiền mã hóa, vùng Nội Mông, thủ phủ của ngành công nghiệp khai thác Bitcoin tại Trung Quốc, đã công bố bản dự thảo 8 biện pháp cấm hoàn toàn các hoạt động khai thác Bitcoin cũng như tiền mã hóa. Đây được xem như những đòn đánh có thể vùi dập thị trường tiền mã hóa toàn cầu khi những khu vực như Tân Cương tại Nội Mông đang chiếm đến 20% lượng Bitcoin khai thác được.

Một trong những lý do đầu tiên được nêu ra cho những biện pháp cứng rắn này là mức tiêu thụ điện khủng khiếp trong những cỗ máy khai thác Bitcoin, khi nó tương đương với mức điện năng tiêu thụ hàng năm của nhiều quốc gia trên thế giới. Điều này không chỉ làm gia tăng lượng phát thải ra môi trường mà còn làm hao hụt nguồn điện dành cho các hoạt động sản xuất kinh doanh khác.

Tuy nhiên, một nguồn tin của tạp chí Caixin cho biết, đằng sau những động thái mạnh tay của chính phủ Trung Quốc còn nhiều nguyên nhân khác quan trọng hơn việc tiêu thụ điện khủng khiếp của ngành công nghiệp khai thác Bitcoin.

Nhiều doanh nghiệp lớn bỏ bê công việc chính để khai thác Bitcoin

Đầu tiên là ảnh hưởng của nó làm chệch hướng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Một nguồn tin của Caixin tại Bộ Công nghiệp và Thông tin Trung Quốc cho biết:

"Giờ đây một số công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán hoạt động không hiệu quả đối với lĩnh vực kinh doanh chính của họ. Do vậy họ mua máy đào Bitcoin và đầu tư vào các trang trại khai thác, bao gồm cả việc tham gia vào những sàn giao dịch bên ngoài. Doanh nghiệp thực giờ chuyển sang ảo."

Theo thông tin công khai, nhiều công ty hạng A niêm yết trên sàn chứng khoán cũng tham gia vào hoạt động khai thác Bitcoin. Ví dụ vào ngày 24 tháng 5 năm 2021 vừa qua, hãng công nghệ Hangzhou Lianluo Interactive thông báo khoản đầu tư 14,3 triệu USD vào một dự án cùng hãng Aoide Capital Limited từ tháng 4 năm 2019. Khoản đầu tư này dành cho việc mua máy khai thác Bitcoin, giao dịch tiền mã hóa cũng như cho một công ty phát hành ICO.

Bên cạnh đó, bài viết của Caixin còn cho biết một nguyên nhân khác dẫn đến các hành động cứng rắn của chính phủ Trung Quốc đối với hoạt động khai thác Bitcoin là sự hữu ích của ngành công nghiệp này đối với nền kinh tế đặc biệt trong bối cảnh việc thiếu hụt chip nghiêm trọng đang diễn ra rộng khắp trên toàn thế giới.

Một nhà nghiên cứu thân cận với ngân hàng trung ương Trung Quốc nói với Caixin: "Từ nhiều năm nay, rút cuộc hoạt động khai thác tiền mã hóa mang lại lợi ích gì cho nền kinh tế thực? Việc khai thác Bitcoin làm nhiều nhà sản xuất chip bán chip cho những nhà sản xuất máy đào hơn là những ngành công nghiệp khác. Giờ đây, ngành công nghiệp ô tô cũng đang thiếu chip."

Cho dù vậy, một điều cần chú ý rằng trong khi hầu hết các ngành công nghiệp khác như ô tô đang sử dụng các chip tiến trình cũ, các máy đào Bitcoin lại sử dụng các chip tiến trình mới hơn và khó sản xuất hơn – tương tự như chip trong smartphone và máy tính. Do vậy, tác động này chỉ mang tính gián tiếp hơn là trực tiếp đến tình hình thiếu hụt chip hiện nay trên thế giới.

Kiềm chế nạn rửa tiền qua các sàn giao dịch

Ngoài những vấn đề trong hoạt động khai thác tiền mã hóa, một trọng tâm khác trong các biện pháp lần này của chính phủ Trung Quốc là kiểm soát và kiềm chế các sàn giao dịch tiền mã hóa.

Cho dù Trung Quốc đã cấm các sàn giao dịch cũng như các hành vi huy động vốn bằng tiền mã hóa nhưng họ lại không cấm các hành vi nắm giữ và tích trữ Bitcoin cùng các loại tiền mã hóa khác. Chính vì vậy, khi các sàn giao dịch chuyển hoạt động "ra nước ngoài", họ vẫn có thể cung cấp dịch vụ cho người dùng Trung Quốc, không chỉ cho phép nắm giữ tiền mã hóa mà còn có thể trao đổi nó với đồng Nhân dân tệ.

Bên cạnh các đồng tiền mã hóa với giá trị biến động mạnh, còn có các đồng stablecoin với giá trị gắn liền với đồng USD như USDT hay BUSD. Giá trị ổn định giúp các đồng tiền mã hóa này trở thành phương tiện rửa tiền thuận tiện.

Với nguồn cung các đồng stablecoin này đã vượt quá 100 tỷ USD (trong đó USDT chiếm khoảng 62,61%, USDC chiếm khoảng 20,42% và BUSD chiếm khoảng 8,89%) và tổng khối lượng giao dịch từ đầu năm 2021 đến nay ngày 30 tháng 4 đã đạt khoảng 1.600 tỷ USD, chắc chắn trong số đó có một lượng giao dịch không nhỏ đến từ Trung Quốc. Chính điều này càng khiến chính phủ Trung Quốc muốn siết chặt và loại bỏ hoạt động khai thác và giao dịch tiền mã hóa tại đất nước này.

Cho dù không đưa ra các biện pháp khắc nghiệt đối với hoạt động khai thác Bitcoin như vùng Nội Mông, nhưng ở nhiều khu vực khác, các trang trại khai thác Bitcoin bắt đầu thường xuyên phải đối mặt với tình trạng mất điện. Ví dụ vào ngày 16 đến 17 tháng 5 vừa qua, sức mạnh tính toán của của các mỏ Bitcoin đồng loạt giảm mạnh do hiện tượng quá tải nguồn điện ở vùng Tứ Xuyên, Trung Quốc.

Hơn nữa, một ngày sau khi bản dự thảo quy định của Vùng Nội Mông được đưa ra, địa chỉ IP tại Trung Quốc của hai công ty sản xuất máy đào Bitcoin, BitDeer và Mars Cloud Mine, đã bị chặn và người dùng trong nước phải sử dụng dịch vụ VPN để có thể truy cập được trang web của các công ty này.

Cho đến lúc này dường như các công ty hoạt động trong ngành sản xuất máy đào Bitcoin của Trung Quốc không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chuyển dịch hoạt động ra nước ngoài để tránh né các biện pháp kiểm soát gắt gao kể trên. Nguồn tin của Caixin cho biết, họ đang chứng kiến nhiều công ty sản xuất thiết bị cũng như các công ty khai thác Bitcoin ở Trung Quốc chuyển hoạt động sang các nước khác, như Canada, Kazakstan, Nga hay Mỹ. Cho dù các nước này không có lợi thế về giá điện như Trung Quốc nhưng họ được xem thân thiện với tiền mã hóa hơn.
BTCUSDTrend Analysis

相關出版品

免責聲明