Tính đến trưa nay, hợp đồng vàng giao ngay giảm về mốc 2.640 USD/oz, tiếp tục chịu áp lực đến từ báo cáo NFP hôm thứ Sáu vừa qua. Giá vàng thế giới biến động mạnh mẽ sau khi báo cáo việc làm tổng thể của nước Mỹ được công bố với kết quả “thổi bay” hầu hết các dự báo. Giá kim loại quý rớt thẳng về quanh mức đáy của tuần gần mốc 2.630 USD nhưng sau đó lại hồi phục mạnh mẽ để vượt lên khu vực đỉnh tuần ở 2.670 USD.
Báo cáo NFP chỉ rõ số lượng việc làm mới trong tháng 9 trong khu vực phi nông nghiệp của nước Mỹ có thêm 254.000 việc làm, cách rất xa so với dự báo chỉ là 140.000. Hơn nữa, tỷ lệ thất nghiệp cũng giảm xuống mức 4,1%. Chứng minh rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn đang còn rất mạnh mẽ và đánh tan mọi nghi ngờ về một cuộc suy thoái sắp xảy ra.
Đồng USD cũng tăng vọt lên mức cao nhất 50 ngày khi khả năng cắt giảm 50 điểm cơ bản của Fed trong cuộc họp tháng 11 chỉ còn dưới 5% từ mức gần 40% hồi mới đầu tuần. Tác động này khiến giá vàng chịu áp lực lớn, thứ duy nhất giúp giữ giá cho kim loại quý trong ngắn hạn chính là tình hình bất ổn tại Trung Đông.
Phân tích biểu đồ giá Vàng (GOLD) khung thời gian H1
Dù đón nhận báo báo NFP như một dữ liệu tiêu cực, giá vàng đã nhanh chóng hồi phục sau đó để leo lên mức kháng cự 2.670 USD. Từ đó có thể thấy rõ xu hướng sideway tích lũy của kim loại quý này trong khu vực 2.630 - 2.670 USD suốt hơn một tuần qua.
Khi quá trình đi ngang diễn ra, khó có thể tìm thấy lợi thế lớn hơn thuộc về người mua hay người bán. Tuy nhiên, các vùng dự kiến xảy ra phản ứng giá mạnh mẽ vẫn có thể áp dụng để giao dịch lướt sóng ngắn hạn.
Các mốc hỗ trợ đáng chú ý sẽ là 2.630 và 2.640 USD. Ngược lại, các vùng kháng cự tiềm năng sẽ là 2.660 và 2.672 USD.